Bắt đầu từ đâu nhỉ?

Xin chào! Đây là blog đầu tiên tôi viết, về tiếng Trung, thứ tiếng mà tôi đã gắn bó từ 2002 tới giờ. Tôi đã từng vật lộn và mò mẫm khi mới bắt đầu học tiếng Trung, sau đó lựa chọn thi vào Sư phạm Ngoại ngữ được đào tạo để trở thành giáo viên. Sau nhiều năm tham gia vào công tác giảng dạy, tôi chuyển sang làm nghiên cứu về ngôn ngữ Trung Quốc. Trong hành trình học, dạy và nghiên cứu đó, có quá nhiều thứ để chia sẻ.

Tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu với phần mà tôi sợ nhất – Ngữ âm.

Khi mới bắt đầu học tiếng Trung, tôi mới 16 tuổi. Tôi có một tháng để học ngữ âm Bắc Kinh, luyện tập tất cả các phụ âm và nguyên âm có trong tiếng Trung. Tôi nghĩ rằng chừng đó thời gian là đủ để mình có thể phát âm tiếng Trung khá chuẩn.

Nhưng thực tế là trong một thời gian dài, tôi vẫn cảm thấy phát âm của mình, ừm, khá là tệ. Tôi phát âm tiếng Trung nghe như tiếng Việt. Phải thừa nhận rằng, 30 ngày là không đủ để có thể làm chủ hệ thống ngữ âm của một ngoại ngữ. Tôi từng tuyệt vọng về phát âm của mình đến mức, tôi quyết định mỗi sáng thức dậy, thay vì đọc kenh14 hoặc nghe nhạc, tôi sẽ đọc 10 trang từ điển, đọc tới khi tôi không thấy căng thẳng khi phải phát âm tiếng Trung nữa. Nhưng kết quả vẫn không được khả quan lắm: dù hài lòng với kiến thức Ngữ pháp, Từ vựng, chữ Hán, cũng như kĩ năng Đọc và Viết của mình, nhưng tôi thường rất ngại ngần khi phải Nói. Biết mình phát âm không chuẩn và không thể làm gì để cải thiện nó là một cảm giác rất khó chịu. Và phát âm không chuẩn cũng ảnh hưởng rõ rệt tới khả năng Nghe. Hừm!

Vấn đề nằm ở đâu?

Mọi chuyện chỉ thực sự cải thiện khi tôi được tham gia khóa học chỉnh âm của Trung tâm Hoa ngữ của trường Đại học Wenzao (Đài Loan), nơi tôi nhận học bổng làm exchange student trong vòng một học kì. Và một phần trong công việc của sinh viên trao đổi là dạy tiếng Việt cho sinh viên Đài Loan. Tình cờ, giáo viên chỉnh âm cho tôi cũng học tiếng Việt, và cách anh vận dụng các kiến thức Ngữ âm học ngay từ khi làm quen với tiếng Việt giúp tôi nhận ra, nắm được bản chất khác biệt giữa các âm thanh trong ngôn ngữ đích, cũng như giữa ngôn ngữ đích và tiếng mẹ đẻ, sẽ khiến bạn học phát âm rất nhanh và rất chuẩn.

Để phát âm đúng, chúng ta cần bỏ đi những thói quen phát âm của tiếng mẹ đẻ, và ý thức rõ ràng cách thức phát âm, vị trí cấu âm của từng phụ âm và nguyên âm. Tôi ước rằng ngay khi mới bắt đầu, tôi đã dành đủ thời gian để hiểu về từng âm thanh trong tiếng Trung, so sánh nó với những âm tương tự trong tiếng Việt, biết được làm thế nào để phát âm chuẩn như người bản xứ.

Tôi sẽ cố gắng chia sẻ những điều cốt lõi tôi đã học được về ngữ âm tiếng Trung, để bạn có thể không phát âm tiếng Trung nghe như tiếng Việt, và bạn có thể tự tin và thoải mái khi nói tiếng Trung. Đây sẽ là một bài viết rất dài, và tôi sẽ chia thành 3 phần:

  • Phần 1: Tất tần tật về phụ âm tiếng Trung
  • Phần 2: Nguyên âm tiếng Trung – phiên bản không “uể oải”
  • Phần 3: Hai bước làm chủ 4 thanh điệu tiếng Trung

Phần 1 – Tất tần tật về phụ âm tiếng Trung

Một từ đơn âm tiết trong tiếng Trung sẽ có cấu trúc CVC (Consonant, Vowel, Consonant). Trong cấu trúc CVC của tiếng Trung, nguyên âm là phần lõi của âm tiết, phần đầu âm tiết có thể là phụ âm, phần cuối âm tiết chỉ có thể là phụ âm mũi.

Khi phát âm phụ âm, luồng hơi bị chặn lại trong quá trình di chuyển từ phổi đi lên, nói cách khác, luôn có vài vị trí bị đóng lại một phần hoặc hoàn toàn. Nguyên âm được phát với thanh quản mở và không có sự tích lũy áp suất không khí trên bất cứ điểm nào của thanh môn.

Tổng quan về phụ âm tiếng Trung

Để phát âm phụ âm tiếng Trung đúng, cần nắm được vị trí phát âm và phương pháp phát âm của từng âm.

Chúng ta sẽ đi lần lượt các khái niệm

Exo-labial (bên ngoài môi), 2. Endo-labial (bên trong môi), 3. Dental (răng), 4. Alveolar (lợi, ổ răng), 5. Post-alveolar (sau ổ răng), 6. Pre-palatal (trước vòm miệng), 7. Palatal (vòm miệng), 8. Velar (vòm mềm), 9. Uvular (lưỡi gà), 10. Pharyngeal (yết hầu), 11. Glottal (thanh hầu), 12. Epiglottal (thanh quản), 13. Radical (gốc lưỡi), 14. Postero-dorsal (phần sau thân lưỡi), 15. Antero-dorsal (phần trước thân lưỡi), 16. Laminal (phiến lưỡi), 17. Apical (đầu lưỡi), 18. Sub-apical (mặt dưới đầu lưỡi)

Về phương pháp phát âm: cách cấu hình và tương tác giữa các cơ quan phát âm (lưỡi, môi, vòm miệng) khi tạo ra âm thanh.

  • Tắc
  • Xát
  • Tắc xát
  • Mũi
  • Bên

Về vị trí cấu âm: vị trí trong cơ quan phát âm nơi đóng lại hoặc tiếp xúc gần dẫn đến cản trở luồng hơi trên đường từ phổi ra ngoài.

  • Hai môi
  • Răng
  • Âm cuối lưỡi
  • Âm đầu lưỡi
  • Âm đầu lưỡi trước
  • Âm đầu lưỡi sau
  • Âm thân lưỡi

PHƯƠNG PHÁP PHÁT ÂM

Âm tắc (Stop)

Luồng hơi đi ra bị cản trở hoàn toàn ở vị trí cấu âm do sự tiếp xúc chặt của các cơ quan tham gia cấu âm.

  • Ví dụ

các âm [p] (pin), [t] (ta), [k] (kem) đều là âm tắc

Âm xát (Fricative)

Luồng hơi đi ra qua khe hẹp do các bộ vị cấu âm tiếp xúc không hoàn toàn.

  • Ví dụ

các âm [v] (vui vẻ), [f] (phí phạm) đều là âm xát

Âm tắc xát (Affricate)

Phụ âm được hình thành bằng cách tạo ra một chỗ tắc, cản trở luồng hơi sau đó tạo ra một khe hẹp ở cùng một vị trí cấu âm để hơi xát qua đó mà ra. Các âm tắc xát thường được xem như một sự phối hợp của một âm tắc và một âm xát tiếp sau.

  • Tiếng Việt không có âm tắc xát.
  • Nếu ngay từ đầu không học phát âm bài bản, người học Việt Nam thường phát âm sai các âm tắc xát của tiếng Trung(pinyin ‘z’, ‘c’, ‘zh’, ‘ch’, ‘j’, ‘q’) bằng cách thay bằng âm tắc hoặc âm xát tương tự trong tiếng Việt.

Âm mũi (Nasal)

Ngạc (vòm) mềm hạ xuống, luồng không khí đi ra một phần hoặc toàn bộ qua khoang mũi

  • Ví dụ

các âm [m], [n], [ɲ] (nhí nhảnh), [η](ngọt ngào)

Âm bên (Liquid)

Đầu lưỡi nâng lên, tiếp sát với răng (hoặc ngạc cứng), không khí đi qua khe hẹp ở 2 bên lưỡi

  • Ví dụ

[l] (lung linh)

VỊ TRÍ PHÁT ÂM

Vị trí phát âm thường gồm 2 bộ phận, trong đó một bộ phận tương đối cố định ở phía trên (răng, vòm miệng), và một bộ phân linh hoạt (đầu lưỡi, thân lưỡi, cuối lưỡi). Trong các hình dưới đây, vị trí cố định được đánh dấu bởi chấm tròn màu xanh, và bộ phận linh hoạt được thể hiện bằng mũi tên đỏ.

Âm hai môi

Khi phát âm môi trên và môi dưới mím nhẹ, luồng hơi bị cản trở ở phía sau môi, sau đó môi (thường là môi dưới) mở nhẹ, để luồng hơi thoát ra ngoài

  1. b [p](không bật hơi)

bābǎi, bǎibù, bùbó, bāobàn, bànbiān, biǎobái, bānbù, bìbào

  1. p [pʰ](bật hơi)

pípá, pá pō, pōpí, pīpíng, píng pán, píng piào, pǐnpái

  1. m [m]

máimò, mòmò, mòmíng, míngmén, ménmiàn, miànmào, màomèi, mèimei

Lỗi sai thường gặp: ‘b’ hữu thanh, ‘p’ không bật hơi

  • “b” và “p” trong tiếng Trung đều là âm vô thanh (voiceless), đều được viết với IPA là [p]. “p” trong tiếng Việt thường dùng để phiên âm các từ ngoại lai (pê-đan, pê-nan-ty), do đó người học thường dùng “b” của tiếng Việt để thay thế. “b” là âm hữu thanh (voiced), khi phát âm nếu bạn đặt tay lên dây thanh đới (dây thanh âm) sẽ cảm nhận được sự rung của thanh đới, lắng tai nghe sẽ thấy đục (vo ve).
  • Tiếng Việt không có âm bật hơi (trừ âm “th” trong “thích thú”, “thong thả”), do đó người học Việt Nam thường không bật hơi khi phát âm “p” của tiếng Trung. Đặt một bàn tay trước miệng và đảm bảo bạn cảm nhận được luồng hơi đi ra khi phát âm các âm bật hơi.

Âm môi răng

Răng trên và môi dưới tiếp xúc nhẹ, luồng hơi đi qua khe hở giữa môi và răng

  1. f [f]

fāfú, fú fen, fēnfā, fēn fēn, fāngfēi, fēifán, fánfù

Âm đầu lưỡi

Đầu lưỡi hướng lên trên, đè vào mặt sau răng trên.

  1. d [t]

dāndú, dúduàn, duàndìng, dǐng duō, dédàng, dāngdào, dàodá

  1. t [tʰ]

tiāntáng, táng dū, túténg, tiáotíng, tíngtuǒ, tuǒtiē, tiētú

  1. n [n]

niúnǎi, néngnài, nǎonù, nóngnú, nǎiniáng, niúnǎn, nínìng

  1. l [l]

liánluò, lǐlùn, lìliàn, liúliàn, línglì, lěiluò, línlǐ

Lỗi sai thường gặp: lẫn lộn giữa ‘n’ và ‘l’

  • n [n]

https://en.wikipedia.org/wiki/Voiced_dental,_alveolar_and_postalveolar_nasals#Alveolar

‘n’ là một âm mũi, khi phát âm đầu lưỡi đè lên răng trên, luồng hơi đi ra ngoài qua mũi.

  • l [l]

https://en.wikipedia.org/wiki/Voiced_dental,_alveolar_and_postalveolar_lateral_approximants#Voiced_alveolar_lateral_approximant

‘l’ là một âm bên, khi phát âm luồng hơi đi qua 2 bên của lưỡi để đi ra ngoài. Thử ngân nga “là lá la” và cảm nhận sự di chuyển của lưỡi trong khoang miệng.

Âm cuối lưỡi

Ngạc (vòm) mềm hạ thấp, phần cuối lưỡi nâng lên cao đè lên ngạc mềm

  1. g [k]

guìguàn, gǎo gè, gēnggǎi, gōngguǎn, guǎnggào, guānguāng, gùgōng

  1. k [kʰ]

K kāngkǎi, kuākǒu, kùnkǔ, kěkào, kuānkuò, kuàngkēng, kǔ kǔ, kuǎn kuǎn

  1. h [x]

hóng huā, hé hǎo, hàohàn, huīhóng, hánghǎi, hùhuì, hǎohuà, hónghuāng

Lỗi sai thường gặp: thay thế ‘h’ [x] của tiếng Trung bằng ‘h’ [h] của tiếng Việt

  • h[x] tiếng Trung (hua1, hao3, huang1, han4)

https://en.wikipedia.org/wiki/Voiceless_velar_fricative

Khi phát âm, phần sau của lưỡi nâng lên gần chạm tới ngạc mềm.

  • h [h] tiếng Việt (hoa, hảo, hoang, hạn)

https://en.wikipedia.org/wiki/Voiceless_glottal_fricative

Khi phát âm, thanh môn mở ra, luồng hơi đi qua thanh môn ra ngoài, không gặp cản trở. Thử hà hơi và không phát ra tiếng động để cảm nhận hướng đi của “h” trong tiếng Việt.

Âm đầu lưỡi trước

Khi phát âm đầu lưỡi thẳng, không cong, tiến về phía trước, tiếp xúc với mặt sau của răng

  1. z [ts] (không bật hơi)

zìzūn, zūnmìng, zào zì, zēngzī, zuò bǎo, zàibǎn, zǔ bié, zǒufǎng

  1. c [tsʰ] (bật hơi)

cóngcǐ, cùn cǎo, cún cái, cāngcù, cuò cí, cǐ cì, cēncī, céngcì

  1. s [s]

sānsī, sīsuǒ, sì sè, sùsuàn, suísú, sānsì

Lỗi sai thường gặp: thay thế ‘z’ [ts] của tiếng Trung bằng ‘ch’ [c] của tiếng Việt

  • Tiếng Việt không có âm tắc xát. Người học Việt Nam có xu hướng thay thế các âm tắc sát (quá trình phát âm chia 2 giai đoạn) bằng âm tắc (chỉ có một giai đoạn phát âm)

So sánh

cha (tiếng Việt)

https://en.wikipedia.org/wiki/Voiceless_alveolar_affricate

Thử phát âm “cha”, “chú”, “chị”, “che” trong tiếng Việt một cách thật khoa trương, nhưng không phát ra tiếng, bạn sẽ thấy để phát âm “ch”[c] của tiếng Việt, phần giữa hoặc phần sau của lưỡi nâng lên, đè vào phần vòm cứng (hard palate), sau đó cằm hạ xuống, luồng hơi đi nhanh ra ngoài.

https://en.wikipedia.org/wiki/Voiceless_palatal_plosive

za (tiếng Trung)

‘z’ [ts] là âm đầu lưỡi, không cong lưỡi, quá trình phát âm gồm 2 giai đoạn: tắc và xát. Nửa nghe giống như âm [t], rất nhẹ và rất ngắn, nửa giống như [s].

Âm quặt lưỡi

Khi phát âm, mặt sau của đầu lưỡi đè vào ngạc cứng.

  1. zh [ʈʂ]

zhēnzhū, zhuīzhú, zhuāngzhì, zhèngzhòng, zhìzhàng, zhèngzhì, zhōngzhǐ, zhòngzhí

  1. ch [ʈʂʰ]

chūchūn, chángchéng, chánchú, chuānchā, chāochū, chìchéng, zhǎngchūn

  1. sh [ʂ]

shānshuǐ, shūshì, shāshēng, shōushí, shǒushì, shèshī, shuìshōu

  1. r [ʐ]

ruì rì, róuruǎn, réngrán, róngrěn, róngrèn, rúruò, rěnrǎn, rěnrǔ

Lỗi sai thường gặp: thay thế ‘zh’ [ʈʂ] của tiếng Trung bằng ‘tr’ [ʈ] của tiếng Việt

  • Điểm giống: đều là âm quặt lưỡi, khi phát âm lưỡi cong lên
  • Điểm khác: khi phát âm ‘tr’ [ʈ], mặt sau đầu lưỡi đè nhẹ vào ngạc cứng; khi phát âm ‘zh’ [ʈʂ], luồng hơi bị chặn lại không thoát ra ngoài được, luồng hơi tích tụ tạo thành áp suất đẩy vào chỗ tiếp xúc giữa mặt sau lưỡi và ngạc cứng, tạo ra một khe hở rất nhỏ, luồng hơi theo khe hở nhỏ đi ra ngoài.

Lỗi sai thường gặp: thay thế sh [ʂ] của tiếng Trung bằng x [s] của tiếng Việt

  • khi phát âm [s], đầu lưỡi thẳng, không chạm vào vòm miệng
  • ‘sh’ [ʂ] là âm quặt lưỡi, khi phát âm lưỡi cong lên chạm vào ngạc (vòm) cứng

Lỗi sai thường gặp: thay thế r [ʐ] của tiếng Trung bằng r[r] của tiếng Việt

  • r[r] của tiếng Việt là âm rung đầu lưỡi (trill) (đàn t’rưng), lưỡi rung liên tục và đều đặn
  • r [ʐ] của tiếng Trung là âm quặt lưỡi, đầu lưỡi hơi cong lên gần như chạm vào ngạc cứng.

Âm mặt lưỡi trước

Thân lưỡi nâng lên tiếp xúc với ngạc cứng

  1. j [tɕ]

jiéjīng, jīngjí, jiāojiē, jùjué, jǐnjí, jiùjìng, jiànjiē, jiājìng

  1. q [tɕʰ]

qíqiǎo, qīnqiè, qíngqù, qìquán, qiūqiān, qǐngqiú

  1. x [ɕ]

xìnxīn, xiángxì, xīnxǐ, xuéxiào, xiànxiàng, xiūxí, xíxìng, xíngxiāo

Lỗi sai thường gặp: thay thế j [tɕ] của tiếng Trung bằng ch [c] của tiếng Việt

  • ch [c] của tiếng Việt là âm tắc, khi phát âm thân lưỡi đè hoàn toàn vào ngạc cứng, sau đó lưỡi hạ xuống để luồng hơi thoát ra
  • j [tɕ] là âm tắc xát, thân lưỡi tiếp xúc với ngạc cứng, luồng hơi bị cản trở tạo ra áp lực đẩy vào chỗ tiếp xúc giữa lưỡi và ngạc cứng, tạo ra một khe hở rất nhỏ cho luồng hơi đi qua, nửa giống [t] nửa giống [ɕ]

Lỗi sai thường gặp: thay thế x [ɕ] của tiếng Trung bằng x[s] của tiếng Việt

  • [s] là âm đầu lưỡi
  • x [ɕ] là âm thân lưỡi, phần trước của thân lưỡi tiếp xúc gần với ngạc cứng tạo ra khe hở nhỏ, luồng hơi đi qua khe hở tạo ra âm thanh.

Tạm kết

Luyện phát âm không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Bạn có thể phát âm đúng từng tiếng và khi nói một câu hoàn chỉnh lại trở về với thói quen phát âm cũ. Điều này là hết sức bình thường và bạn nên chuẩn bị tinh thần cho nó. Quan trọng là khi bạn biết được có sự khác biệt giữa các âm thanh, bạn sẽ ý thức được mình đang nói đúng hay chưa đúng, và đó là bước tiên quyết để sau này bạn có thể phát âm chuẩn và không còn lo lắng về phát âm nữa.

Đón đọc phần sau:

  • Phần 2: Nguyên âm tiếng Trung
  • Phần 3: Hai bước làm chủ 4 thanh điệu tiếng Trung

Và hơn thế nữa, chúng tôi đang phát triển một chuỗi bài tập cực kì hiệu quả để giúp bạn phân biệt sự khác biệt giữa các âm thanh, và bồi đắp sự tự tin của bạn khi phát âm. Vì vậy thỉnh thoảng hãy ghé thăm blog nhỏ này nhé, vì chúng tôi sẽ cập nhật bài viết mới hàng tuần.

Tài liệu tham khảo

Duanmu, San. 2000. The phonology of standard Chinese (Phonology of the world's languages). Oxford: Oxford University Press.
張正男. 2009. 實用華語語音學 Chinese phonetics (實用華語教學系列). 台北市: 新學林出版股份有限公司.
https://en.wikipedia.org/wiki/Help:IPA/Mandarin
https://en.wikipedia.org/wiki/Help:IPA/Vietname

Còn nữa…

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều hướng dẫn học phát âm tiếng Trung như hình dưới đây. Ngắn gọn thì đây đúng là cách để bạn phát âm tiếng Trung chuẩn, nhưng mà là chuẩn tiếng Việt :-).

Nguồn:

https://tiengtrung.vn/Phat-am-tieng-Trung-Hoc-cach-phat-am-chuan

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *